Sidebar Menu

SKĐS - Quảng Bình được biết là địa phương có gánh nặng bệnh lao ở mức cao của khu vực Bắc Trung Bộ. Số bệnh nhân lao mới phát hiện hàng năm khoảng 100 ca/100.000 dân.

Để phòng, chống có hiệu quả bệnh lao, ngành Y tế Quảng Bình đã tiến hành triển khai đồng bộ các biện pháp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn.

z5282198431159083c421ee6855ff357b026f2fcebb61f-17113586717191196825897.webp
Quảng Bình được biết là địa phương có gánh nặng bệnh lao ở mức cao của khu vực.

Bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về phòng chống bệnh lao cho cán bộ y tế, CDC Quảng Bình đã tổ chức các đợt khám sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các trường hợp mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Trong năm 2023, số người xét nghiệm IGRA test (phương pháp có khả năng phát hiện lao ngay ở giai đoạn tiềm ẩn) là 6.903 người và số mẫu xét nghiệm Gene Expert (kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao) là 1.618 mẫu.

z52821985919601abffbec7358437b9b4e5f61e1640054-17113587121591147859754.webp
Trong năm 2023 có gần 9.000 trường hợp được xét nghiệm lao.

Ngoài công tác khám phát hiện thường quy tại các cơ sở y tế, CDC Quảng Bình cũng triển khai Chiến lược 2X (chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao).

"Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh lao, CDC Quảng Bình còn thực hiện phương châm 2X", tăng cường các chương trình khám, xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng. Đơn vị cũng thường xuyên cập nhật, ứng dụng phác đồ mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh lao", Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết.

z528219818922642a544be8987e820de02e84c7652ed1a-17113588594821465007114.webp
CDC Quảng Bình cũng triển khai Chiến lược 2X (chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao).

Từ năm 2020, Chương trình Chống lao tỉnh Quảng Bình được Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia quan tâm, cho mượn hệ thống xe X-quang kỹ thuật số lưu động để thực hiện khám sàng lọc tại cộng đồng. 

 

 

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình tiếp nhận và điều trị cho 940 bệnh nhân, trong đó có 284 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. Tỷ lệ điều trị thành công là 93,61%.

z5282198433309dcb297d0b941d11228f8fdb65fe66981-1711358944226220459128.webp
CDC Quảng Bình triển khai khám phát hiện chủ động trong cộng đồng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Để tiến tới hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thời gian tới ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác khám sàng lọc nhằm phát hiện chủ động bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Các đơn vị sẽ tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, công tác chống lao, đặc biệt ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc là rất quan trọng. Chương trình chống lao tại Quảng Bình trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao.

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần tích cực nâng cao nhận thức, tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Cùng với đó cần có sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các lãnh đạo, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế... trên tất cả các lĩnh vực để công tác phòng, chống bệnh lao đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Đan Thanh (suckhoedoisong.vn)