Sidebar Menu

Đó chính là chủ đề thông điệp được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra nhằm Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2024 (24/3), nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Với chủ đề: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO) truyền tải đi thông điệp của hi vọng rằng đẩy lùi bệnh lao là hoàn toàn khả thi thông qua sự lãnh đạo của các cấp, tăng cường đầu tư các nguồn lực và theo sát những khuyến nghị mới nhất của Tố chức Y tế Thế giới (WHO).

z5272867202828_5f8e4317b642f357295394cb84970daf.jpg
CDC Quảng Bình tăng cường công tác khám phát hiện bệnh lao trong cộng đồng

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có khoảng 30.000 người bệnh mới, nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến với bệnh lao đã cứu sống xấp xỉ 75 triệu mạng sống từ năm 2000 đến nay. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong năm 2023, Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể trong cả nước, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 bệnh nhân (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.

Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2022, 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sự thành công đó là nhờ vào việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

z5272867276472_58e052760342d5a8f8ef568cb63bedfe.jpg

z5272867241716_473dffdddd5f0f269e56cd630860844b.jpg
CDC Quảng Bình khám và sàng lọc bệnh lao cho phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn

Cùng với cả nước, thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh lao, trong đó chú trọng tăng cường triển khai khám sàng lọc lao chủ động nhằm phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, tổ chức tập huấn công tác phòng chống bệnh lao cho cán bộ y tế, Trung tâm đã tổ chức các đợt khám sàng lọc góp phần phát hiện và điều trị sớm các trường hợp mắc bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh thu nhận và điều trị cho 940 bệnh nhân, trong đó AFB(+) (bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học) 284 bệnh nhân. Tỷ lệ điều trị thành công là 93,61%. Số người xét nghiệm phát hiện là 6.903 người và số mẫu xét nghiệm Gene Expert là 1.618 mẫu.

Để công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng ngày càng đạt hiệu quả cao, CDC Quảng Bình đã chú trọng đầu tư về nhân lực, kinh phí cũng như trang thiết bị vật tư cho các hoạt động khám phát hiện, xét nghiệm và truyền thông về bệnh lao, ngoài công tác khám phát hiện thường quy tại các cơ sở y tế, CDC Quảng Bình đang tích cực triển khai Chiến lược 2X (là chiến lược tiếp cận sử dụng đồng thời hai kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh Lao). Để chiến lược 2X được triển khai tại cộng đồng, đặc biệt các vùng sâu vùng xa, CDC Quảng Bình đã huy động hệ thống xe XQ kỹ thuật số di động đến các vùng miền núi để bà con được tiếp cận dịch vụ y tế này. Đặc biệt kỹ thuật xét nghiệm GeneXpert trong chẩn đoán bệnh lao, là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử, với hệ thống máy móc hiện đại, cho kết quả chính xác trong thời gian ngắn và hiệu quả cao.

z5272867361643_0040a4f2d24267db66667ce4c554c083.jpg

z5272867311627_ae73c54d807bb6d26a7d6e6ac1b37aad.jpg

z5272867346508_9050d06e917aa55d6c1f8cb9a610d691.jpg
Chụp XQ sàng lọc bệnh lao (tại hệ thống xe XQ kỹ thuật số di động) cho người dân Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy

Sau công tác khám sàng lọc, CDC Quảng Bình sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện để tổ chức thu dung, quản lý và điều trị bệnh nhân nếu phát hiện bệnh nhân lao, đồng thời tổ chức các đợt tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng, góp phần giảm thiểu tỷ lệ mắc và lây lan bệnh lao trong cộng đồng.

Thông điệp của Ngày thế giới phòng chống lao năm 2024 đã cho thấy một sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc huy động sức mạnh tổng thể, mang đến nguồn năng lượng tích cực thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người. Kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm với các cam kết của mình trong công tác phòng chống bệnh lao, cùng nhau thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình để chung tay thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao, cần tuân thủ theo các khuyến cáo sau của Chương trình chống Lao Quốc gia để phòng chống bệnh lao cho bản thân, gia đình và cộng đồng:

1. Các biểu hiện khi mắc bệnh lao:

  • Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu).
  • Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở.
  • Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
  • Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ. Hiện nay đã có thuốc điều trị hiệu quả, vì vậy người bệnh cần tuân thủ điều trị:
  • Đúng: Đúng phác đồ, đúng liều lượng và đúng thuốc.
  • Đủ: Đủ thời gian từ 4 tháng đến 1 năm tùy theo loại phác đồ được bác sĩ chỉ định.
  • Đều: phải uống thuốc thật đều đặn hàng ngày, người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc bỏ thuốc.
  • Thuốc chữa lao được cấp miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hay chữa trị tại phòng khám tư.
2. Cách phòng chống bệnh lao:
  • Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
  • Mỗi người khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
  • Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày;
  • Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
  • Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Hoàng Loan - Mai An