Sidebar Menu

“Yes! We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao) là chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3/2023 trên toàn cầu. Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể!

Còn bệnh lao, còn nỗi lo

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao (trong đó 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động). Trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện chỉ đạt khoảng 60%, còn có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng. 

z4203990382147_f9c1c80acad5cf5ffd2a8dc33a80bddf.jpg
CDC Quảng Bình tăng cường chiến dịch khám phát hiện chủ động bệnh nhân lao trong cộng đồng

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, Quảng Bình phát hiện và điều trị 839 bệnh nhân lao các thể; năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chỉ phát hiện được 638 bệnh nhân; năm 2022, khi đã giảm sự tác động của đại dịch Covid, CDC tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực, nhất là từ Quỹ toàn cầu Phòng chống lao, chủ động sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn cho người già, bệnh nhân tiểu đường, người nghèo, người hút thuốc lá, người sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Methadone. Triển khai hoạt động khám phát hiện chủ động tại cộng đồng bằng chiến lược 2X, với hơn 12.000 lượt người được khám, đã phát hiện, đưa vào điều trị 807 bệnh nhân lao các thể, tăng 26,48% so với năm 2021. Có thể thấy, năm 2021 đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động phòng chống lao tại tỉnh ta, số người tới các cơ sở y tế để chẩn đoán, phát hiện và điều trị lao giảm mạnh, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong...

Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình chống lao Quốc gia cho hoạt động phòng chống lao, cùng với công nghệ mới, thuốc mới…đã được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc được WHO đánh giá là hình mẫu lý tưởng cho công tác phòng chống lao khu vực Tây Thái Bình Dương… Đối với Quảng Bình, giai đoạn từ năm 2016-2022, tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị thành công luôn đạt > 95%. Thực tế, dịch tễ bệnh lao trong cộng đồng ở tỉnh ta vẫn còn cao, tình hình mắc lao ở người trẻ tuổi có chiều hướng gia tăng, vấn đề lao/HIV, lao/đái tháo đường và lao kháng thuốc đang là vấn đề đáng lo ngại.

Cũng như COVID-19, lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Một bệnh nhân từ khi phát bệnh đến khi tử vong có thể lây cho rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.

Cùng hành động để chấm dứt lao

Trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023 của Việt Nam là "Việt Nam chiến thắng bệnh lao". Đây là một chủ đề ngắn gọn, dễ nhớ, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

z4203990471491_5daa40c4191281da1d719b24b323eec0.jpg

z4203990470406_2ba03133dc3c62690ead09693701946d.jpg

z4203990474943_58b7435a02df495ed0f63039c58fb7fe.jpg
Nhờ triển khai Chiến lược 2X, Quảng Bình đã phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị, cắt đứt nguồn lây của bệnh lao.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC tỉnh Quảng Bình: Năm 2023, để công tác chống lao của tỉnh đạt được mục tiêu chung, làm tiền đề cho các mục tiêu cụ thể giai đoan 2023-2025 của UBND tỉnh, rất cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và sự tham gia đóng góp của cả cộng đồng, như chúng ta đã cùng chung tay phòng chống Covid-19. Phải tranh thủ mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác khám phát hiện chủ động tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Việc khám phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn phải triển khai sớm, quyết liệt theo sự chỉ đạo của CTCL QG. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục giảm thiểu kỳ thị, mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ điều trị.

Bên cạnh đó, hoạt động phát hiện sớm, điều trị sớm ngay sau khi phát hiện để cắt đứt nguồn lây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình chống lao của tỉnh. Để tăng cường các hoạt động này, CDC Quảng Bình đã đầu tư về mặt nhân lực, kinh phí cũng như trang thiết bị vật tư cho các hoạt động khám phát hiện, xét nghiệm và truyền thông về bệnh lao… để đảm bảo tất cả người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao được khám kịp thời, phát hiện sớm bệnh lao. Hiện nay, ngoài công tác khám phát hiện thường quy tại các cơ sở y tế, Chương trình chống lao tỉnh đang triển khai Chiến lược 2X phát hiện sớm bệnh lao, với hệ thống xe XQ kỹ thuật số di động có thể tiếp cận những nới khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là xét nghiệm GeneXpert, đây là một kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao để  phát hiện bệnh lao, lao kháng đa thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trên toàn thế giới.

Từ ngày 01/7/2022, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh đã thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh lao thanh toán chi phí từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) theo TT36-2021/TT-BYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả giảm gánh nặng cho người bệnh lao. Giúp đảm bảo công bằng cho người bệnh, đặc biệt là những người bệnh lao có thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lộ trình này, các đơn vị y tế hiện gặp một số khó khăn nhất định, vì vậy giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất là tập trung việc nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh lao cho người dân, góp phần quan trọng trong việc tầm soát, khám sàng lọc, việc phòng bệnh sẽ mang lại hiệu quả hơn chữa bệnh, dù có thẻ BHYT.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhưng với những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa và điều trị bệnh lao, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “Chấm dứt bệnh lao vào năm 2035”.

Nguyễn Trang