Sidebar Menu

Hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022, với thông điệp “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” đã được Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai trong thời gian qua. Đối tượng chính được hướng đến huy động là giới trẻ bởi có một điều thay đổi đặc biệt về hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam so với trước đây, đó là người nhiễm mới tập trung ở nhóm người trẻ.

DSC03068_Large.JPG
Cán bộ Khoa Phòng chống HIV/AIDS đang cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Theo số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hoá nhanh, đường lây truyền chính cũng chuyển từ đường máu sang đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Trong số hơn 10.000 trường hợp phát hiện mới mỗi năm thì có một nửa là người dưới 29 tuổi và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là nhóm có nguy cơ chính. Thêm vào đó trong thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV và 14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy quan trọng nhất là huy động sự chủ động của thanh niên tham gia vào hoạt động phòng chống HIV một cách hiệu quả.

z3919718019666_538c75e8702337a96e52eaaad8a3bdc0.jpg
Bệnh nhân đang điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Để kiểm soát được tình hình dịch HIV, thời gian qua Khoa Phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường các hoạt động truyền thông về chống kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, nhất là đối với giới trẻ.

Năm 2022, Quỹ BHYT là bước đột phá với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT. Tất cả đều hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi nó không còn là vấn đề sức khoẻ đáng lo ngại của cộng đồng.

Lê Dung