Sidebar Menu

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời, Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu. Tại tỉnh ta, trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao được ngành Y tế chú trọng. Mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm phát hiện, điều trị và đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.
 
IMG 20210323 172631 01Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám phát hiện chủ động bệnh nhân lao miễn phí bằng công nghệ 2X tại huyện Bố Trạch.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống lao trên toàn địa bàn tỉnh, hiện nay hoạt động này đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn. Công tác phát hiện người mắc mới, bệnh nhân điều trị giai đoạn tấn công nội trú tại các bệnh viện, bệnh nhân điều trị duy trì tại cộng đồng, bệnh nhân kháng đa thuốc, bệnh nhân HIV mắc lao đều được cán bộ chuyên trách lao của Trung tâm quản lý và giám sát dùng thuốc nghiêm ngặt theo quy định. Đặc biệt, luôn chú trọng đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh lao, nên đa số bệnh nhân đều tuân thủ phác đồ điều trị, vì vậy tỷ lệ điều trị thành công luôn đạt cao trên 95%. Tuy nhiên Quảng Bình vẫn là địa phương nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao, hàng năm có từ 800 đến gần 1000 bệnh nhân lao các thể được phát hiện mới mỗi năm. 
Bác sỹ CKI Trần Thế Anh, cán bộ phụ trách Phòng khám lao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng khám Đa khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận hơn 330 trường hợp nghi lao đến khám, trong đó phát hiện hơn 100 bệnh nhân mắc lao các thể, đa số bệnh nhân đến đây đều tuân thủ quy trình khám và điều trị. Hiện nay đã đưa vào công nghệ 2X trong công tác khám phát hiện bệnh lao, đó là chụp Xquang phổi kỹ thuật số di động và xét nghiệm đờm bằng công nghệ sinh học phân tử, đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí đã giúp chúng tôi phát hiện rất nhanh các trường hợp mắc bệnh lao. 
Một trong những điều kiện quan trọng để công tác phòng chống bệnh lao đạt hiệu quả là điều tra phát hiện và xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn, từ đó thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện khám phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các địa phương, cũng như triển khai khám sàng lọc, điều tra lưu động tại cộng đồng, qua đó đã phát hiện và đưa vào quản lý điều trị 386 bệnh nhân lao. Điều đáng mừng là tất cả các bệnh nhân lao khi tham gia điều trị đều được miễn phí hoàn toàn từ nguồn kinh phí của Chương trình Phòng chống lao Quốc gia.
Anh Nguyễn Văn Chiến, TK 10 thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch cho biết: Tôi bị bệnh lao nhưng không biết, lúc đầu tôi chỉ thấy người mệt, hơi khó thở, ho nhiều, cứ nghĩ là cảm cúm thông thường, may mắn được cán bộ y tế về tận nơi xét nghiệm, chụp Xquang mới biết mình bị bệnh lao. Sau khi tôi được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch thì bệnh tình của tôi đã đỡ hẳn, cán bộ y tế ở đây rất nhiệt tình, luôn động viên tôi cố gắng kiên trì và theo đúng phác đồ điều trị, hơn nữa mọi chi phí khám chữa bệnh đều được miễn phí.
 Bên cạnh đó, công tác xây dựng, củng cố mạng lưới phòng chống lao từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến xã, phường cũng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Cán bộ chuyên trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời tình hình bệnh tật, đồng thời có báo cáo từng tháng.
Thực tế vẫn còn tình trạng người dân dấu bệnh không đi khám, khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn. vì thế cán bộ phòng chống lao tại các trạm y tế xã đã chủ động đến tận những gia đình có người dân nghi mắc lao để vận động thuyết phục thực hiện xét nghiệm đồng thời đưa vào sổ quản lý và điều trị. Hơn nữa, bệnh nhân lao chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, do vậy các cán bộ chuyên trách phòng chống lao tại cơ sở, nhất là ở các trạm y tế có vai trò, trách nhiệm không nhỏ. Họ không những là người trực tiếp quản lý, theo dõi quá trình điều trị cho bệnh nhân tại trạm, mà còn là những tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn tích cực tại gia đình và cộng đồng.
Y sỹ Tạ Thanh Bình, cán bộ chuyên trách Chương trình Phòng chống lao Trạm y tế xã Quảng Văn, TX. Ba Đồn cho biết: “Sau khi phát hiện có bệnh nhân lao trên địa bàn phường, chúng tôi sẽ lập sổ quản lý để điều trị và bệnh nhân được cung ứng thuốc đầy đủ theo đúng phác đồ điều trị của chương trình. Với phương châm “Không để bệnh nhân phải đi xa trong quá trình điều trị”, ngoài những trường hợp phải điều trị tấn công giai đoạn đầu, các bệnh nhân lao được lập sổ quản lý điều trị ngay tại các trạm y tế địa phương. Điều trị căn bệnh này thường phải mất một thời gian dài, ít nhất là 6 tháng, vì vậy các chuyên trách chống lao của trạm y tế sau khi nhận thuốc của chương trình thì cấp phát cho người bệnh hàng tháng tại trạm và thường xuyên đến nhà bệnh nhân để kiểm tra, giám sát cũng như động viên người bệnh kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị, để tránh tình trạng điều trị không đến nơi đến chốn hoặc bỏ điều trị giữa chừng”.
Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả tốt nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đẩy mạnh việc kết hợp công tác phòng chống lao với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tổ chức nhiều đợt truyền thông trực tiếp tại các trường học và tổ dân phố về tác hại của thuốc lá với bệnh lao phổi. Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép phòng chống lao với hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm lao - HIV/AIDS…ngoài ra, việc tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng chống bệnh lao cũng được chú trọng, thông qua các hoạt động như: tổ chức phát động nhắn tin ủng hộ “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao; treo băng rôn, pano, khẩu hiệu dọc các trục đường chính của thành phố Đồng Hới; tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh tại các địa phương về các vấn đề cần biết về bệnh lao, cách phòng chống bệnh lao.
Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn một số dịch vụ y tế, tại Việt Nam tỷ lệ phát hiện bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%, bệnh lao cũng là một trong những bệnh nền nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao đối với những bệnh nhân mắc Covid-19, vì vậy các chuyên gia y tế đã nhận định có sự tương đồng giữa bệnh lao và Covid-19, hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao năm nay, Bộ Y tế đã phát đi thông điệp “Việt Nam chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao!”, qua đó kêu gọi người dân hãy tích cực hơn nữa trong cuộc chiến phòng chống bệnh lao dù vẫn còn nhiều khó khăn, đoàn kết chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Theo bác sĩ CKI, Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh ta nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao, mặc dù những năm gần đây, số bệnh nhân lao mắc mới đã có xu hướng giảm, nhưng con số đó vẫn cao, với hơn 800 bệnh nhân mới được phát hiện mỗi năm, điều này đã chứng tỏ những nỗ lực trong công tác điều tra, phát hiện bệnh lao phát huy hiệu quả, mặt khác cho thấy mục đích loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức lớn. Tỉnh ta chưa có bệnh viện chuyên lao, mạng lưới chuyên trách tuyến dưới thường xuyên thay đổi, nên khó khăn trong việc quản lý điều trị bệnh nhân giai đoạn tấn công, hơn nữa, vẫn còn tình trạng kì thị đối với bệnh lao, nên không ít trường hợp bệnh nhân bỏ dỡ việc điều trị, dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ chuyên trách chống lao cho các tuyến nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của họ, đồng thời tăng cường triển khai hoạt động tuyên truyền đến người dân về phòng chống bệnh lao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý giám sát các tuyến đảm bảo bệnh nhân sau khi chẩn đoán được điều trị ngay, đồng thời lồng ghép tuyên truyền cho bệnh nhân hiểu về tầm quan trọng của việc tuân thủ nguyên tắc điều trị, đúng liều đủ thời gian là yếu tố quan trọng nhất để khỏi bệnh, tránh tình trạng kháng thuốc. Đặc biệt, phát huy hiệu quả của công nghệ 2X trong phát hiện chủ động các ca mắc trong cộng đồng từ đó đưa vào điều trị đúng phác đồ, triệt để sự lây lan trong cộng đồng và làm bàn đạp để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. 
Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng quy trình. Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 ngoài những nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay của các cấp các ngành, sự chung tay của toàn xã hội, không phân biệt kì thị đối với người bệnh. Vì sức khỏe Việt Nam, hãy chung tay cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
 
Hoàng Loan