Sidebar Menu

(QBĐT) - Tiêm vắc-xin được khẳng định là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, vững chắc trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ có vắc-xin, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác tiêm chủng: Thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, bạch hầu… được khống chế, giảm tỷ lệ tử vong; đẩy lùi được dịch Covid-19 và tiếp tục thực hiện mục tiêu loại trừ viêm gan B vào năm 2030. Vì vậy, việc tiêm đủ mũi vắc-xin cho trẻ em không chỉ phòng bệnh, bảo vệ trẻ phát triển khỏe mạnh mà còn an toàn cho cả cộng đồng.
 
Sẽ nhiều hệ lụy khi trẻ không tiêm đủ mũi vắc-xin
 
Thời gian vừa qua, bệnh bạch hầu quay trở lại ở các tỉnh Điện Biên, Hà Giang… và đã ghi nhận một số trường hợp tử vong. Qua đó, dấy lên vấn đề đáng lo ngại đối với việc trẻ không được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin dẫn đến nhiều hệ lụy là những bệnh dịch trước đây đã có thể ngăn ngừa bằng tiêm chủng thì nay có nguy cơ quay trở lại, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và cả cộng đồng.
 
Trong nhiều năm qua, ngành Y tế Quảng Bình đã nỗ lực triển khai tiêm vắc-xin phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai trong toàn tỉnh, đạt tỷ lệ từ 95% trở lên. Đó là các loại vắc-xin phòng bệnh viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản. Nhờ đó, hàng vạn trẻ em, phụ nữ có thai được bảo vệ, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiều năm trở lại đây, Quảng Bình chưa ghi nhận ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR.
 
Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn cung vắc-xin của Chương trình TCMR bị gián đoạn. Do thiếu vắc-xin, nhiều trẻ em tỉnh ta chưa được tiêm các mũi đúng lịch để phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo cáo của Sở Y tế, một số loại vắc-xin thuộc Chương trình TCMR đã hết. Cụ thể, đến tháng 3/2023 đã có 2 loại không còn được cấp là vắc-xin DPT (phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván) và vắc-xin 5 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-viêm màng não/viêm phổi do Hib).
 
 
Ngành Y tế Quảng Bình luôn nỗ lực triển khai tiêm đủ các mũi cơ bản trong Chương trình TCMR cho trẻ emjpg
Ngành Y tế Quảng Bình luôn nỗ lực triển khai tiêm đủ các mũi cơ bản trong Chương trình TCMR cho trẻ em.
 
 

Đến tháng 6, có 4 loại vắc-xin hết, gồm: Phòng bệnh lao (BCG), bại liệt uống tuyp b (bOPV), vắc-xin phòng bại liệt tiêm (IPV), sởi-rubella (MR). Đến tháng 7, cũng có 4 loại vắc-xin hết: Viêm gan B, sởi (MVVac), uốn ván (VAT) và viêm não Nhật Bản (Jevax). Sở Y tế đã có văn bản đề xuất nhu cầu vắc-xin trong Chương trình TCMR năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 của các địa phương gửi Bộ Y tế từ tháng 7/2023. Nhưng đến thời điểm hiện tại chương trình vẫn thiếu nhiều loại vắc-xin, như: BH-HG-UV-VGB-Hib, vắc-xin DPT, vắc xin MR…

 

Cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, do thiếu hụt vắc-xin nên tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ TCMR của tỉnh ta đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh mới chỉ có 8.328/11.893 trẻ em được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản của Chương trình TCMR, đạt tỷ lệ hơn 70%.

 

Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới Nguyễn Đức Cường trăn trở: "24 giờ sau sinh là “thời gian vàng để tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi rút viêm gan B. Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, mũi tiêm trong 24 giờ sau sinh có khả năng phòng được 85-90% nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, đồng thời bảo vệ trẻ trước các đường lây truyền viêm gan B khác. Nếu tiêm muộn, khả năng miễn dịch của trẻ sẽ giảm. Tuy nhiên, thời gian qua, do nguồn cung ứng vắc-xin viêm gan B trong Chương trình TCMR bị gián đoạn, bệnh viện đã thiếu hụt vắc-xin tiêm cho trẻ sinh ra tại bệnh viện. Trước tình hình này, chúng tôi đang tìm cách xoay xở, tìm kiếm nguồn vắc-xin dịch vụ để tiêm cho trẻ sơ sinh, ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B tránh những hệ lụy về sau cho trẻ".

 

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Tâm lý của chị Nguyễn Thị Hòa (phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác, là e ngại, không đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi với nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là sợ phản ứng sau tiêm chủng của trẻ. “Vì bé sinh ra hơi nhẹ cân, mỗi lần tiêm vắc-xin về hay sốt cao. Sợ sức khỏe của con không chịu được khi tiêm nhiều loại vắc-xin, nên tôi chỉ chọn tiêm cho cháu một số mũi cơ bản chứ không tiêm hết các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR. Đợi cháu lớn thêm tý nữa, tôi sẽ cho cháu tiêm sau”, chị Hòa chia sẻ.

Với tâm lý e ngại của một số phụ huynh cùng việc thiếu hụt các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR thời gian qua làm mất cơ hội, bị trì hoãn tiêm vắc-xin phòng bệnh qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi trẻ mắc bệnh sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp: Năm 1798, vắc-xin đậu mùa đầu tiên được phát triển. Kể từ khi vắc-xin ra đời, nhân loại đã có giải pháp chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất. Từ năm 1981, Chương trình TCMR ở Việt Nam được Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và UNICEF. Đến nay, trẻ không chỉ được bảo vệ phòng, chống các bệnh đã có vắc-xin từ nhiều năm, như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, lao, viêm gan B… mà còn được phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm khác nhờ các vắc-xin mới, hiện đại hơn. Đặc biệt, trong thời gian tới, Chương trình TCMR sẽ được tiếp tục tích hợp thêm các loại vắc-xin: Rota (phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota), ngừa ung thư cổ tử cung và vắc-xin Covid-19.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đỗ Quốc Tiệp khuyến cáo: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó cha mẹ cần phải ghi nhớ "tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất” cho trẻ nhỏ. Khi sinh ra trẻ đã có hệ miễn dịch thụ động qua sữa mẹ, nhưng sau 6 tháng tuổi loại miễn dịch này sẽ giảm dần, các loại vi khuẩn, vi rút, các tác nhân gây bệnh khác dễ dàng xâm nhập và gây hại cho sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ không được tiêm chủng sẽ không sản sinh ra miễn dịch để chống lại tác nhân gây bệnh, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ tăng cao hơn. Trong đó, các bệnh truyền nhiễm như sởi-bạch hầu-ho gà-uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản… đều rất nguy hiểm đối với trẻ em. Vì vậy, tiêm phòng đủ mũi, đúng lịch là biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ cơ thể trẻ và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong môi trường biến đổi khí hậu như hiện nay, với nhiều biến chủng mới xuất hiện khó lường.

Thực tế rõ nhất đã minh chứng qua công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Khi tiếp cận được vắc-xin Covid-19, cả nước đã triển khai một chiến dịch bao phủ vắc-xin khẩn cấp, đưa vắc-xin tiếp cận với mọi người dân. Nhờ các chiến dịch triển khai tiêm chủng vắc-xin quyết liệt “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chúng ta đã nhanh chóng đẩy llùi được dịch bệnh, tạo tiền đề cho đất nước mở cửa trở lại. Và đến nay dịch Covid-19 đã được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Qua đó để thấy việc tiêm chủng vắc-xin không chỉ dành cho trẻ em mà mọi người ở mọi lứa tuổi cũng cần tiêm để được bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và có thể tử vong.

“Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong Chương trình TCMR, trong tháng 8 vừa qua, khi được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp 2.100 liều vắc-xin DPT-VGB-Hib, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực rà soát đối tượng trẻ từ 2 đến dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin có thành phần bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-Hib. Trong đó, ưu tiên cho trẻ chưa được tiêm mũi 1 vắc xin DPT-VGB-Hib. Tính đến ngày 30/10, các huyện, thị xã, thành phố đã tiêm hết các liều vắc-xin trong đợt phân bổ này cho trẻ dưới 1 tuổi. Thời gian tới, khi tiếp tục được phân bổ vắc-xin, CDC tỉnh sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường tiêm vét để duy trì tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR”, Giám đốc CDC tỉnh trao đổi.

 

Nội Hà