Sidebar Menu

Sức khỏe tâm thần là một trong những yếu tố rất quan trọng của sức khỏe con người, người mắc các chứng bệnh tâm thần sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua các cán bộ y bác sĩ tại Phòng khám bệnh tâm thần Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần, từ đó nâng cao sức khỏe cũng như giảm bớt những tổn thất do căn bệnh gây ra, giúp người bệnh hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

z4749794161916_b0b1ba8e9f71962b66d134ca27a00a26.jpg
CDC Quảng Bình phối hợp thăm khám sức khoẻ định kỳ cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần

Nằm trong con ngõ nhỏ phía sau đường quốc lộ 1A, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới. Nơi có ngôi nhà bình yên của mẹ con bà Trần Thị Huẩn đang nương tựa, chăm sóc lẫn nhau, bà Huẩn nay đã già yếu. Từ ngày chị Lê Thị Thuý Hằng - con gái bà điều trị bệnh tâm thần ổn định và được trở về điều trị ngoại trú thì ngôi nhà như có thêm sức sống mới.

Nhìn cách chị Hằng giao tiếp và chăm sóc mẹ, không ai nghĩ chị đã từng phải vượt qua quãng thời gian tăm tối, do căn bệnh tâm thần gây ra. Vào năm 18 tuổi, chị Hằng cũng như bạn bè cùng trang lứa, có công ăn việc làm ổn định và sớm lập gia đình, nhưng mọi thứ đảo lộn khi chị đột nhiên mắc chứng tâm thần phân liệt, lúc phát bệnh thường hay hoang tưởng, đập phá đồ đạc, tấn công mọi người.

Bà Trần Thị Huẩn (mẹ bệnh nhân Hằng) cho biết: Sau khi bệnh thuyên giảm, con gái trở về sống cùng tôi thấy yên tâm phần nào. Hằng ngày con thường phụ giúp tôi làm các công việc trong nhà, những lúc thôn xóm phát động các phong trào như làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, con tôi cũng hoà đồng tham gia cùng mọi người.

Trong suốt quá trình dài đi khám chữa bệnh tại Phòng khám tâm thần CDC, chị Hằng được các y bác sĩ khuyến khích, động viên kiên trì để chữa bệnh. Qua gần 2 năm điều trị ngoại trú nay sức khoẻ tâm thần của chị đã phục hồi được 80%, chị Hằng có thể tự chăm sóc cho bản thân, hòa nhập với cộng đồng và làm việc kiếm thêm thu nhập. Chị Lê Thị Thuý Hằng, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới chia sẻ: Hàng tháng tôi thường tới CDC để tái khám và nhận thuốc đúng lịch, đồng thời dùng thuốc đều đặn nhờ vậy mà sức khoẻ và trí nhớ được cải thiện nhiều so với trước. Để kiếm thêm thu nhập tôi làm các công việc như: Giúp việc nhà theo giờ, nhặt phế liệu, làm nhân viên phục vụ ở quán ăn…được trở về nhà sinh hoạt và làm việc tôi thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Anh Đinh Minh Thanh, trú tại xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn sinh ra có thể chất bình thường, năm 2014 bắt đầu phát bệnh tâm thần phân liệt, thường xuyên mất ngủ, la hét, đập phá vô cớ, không làm được việc gì. Trải qua gần 4 năm điều trị tích cực tại Phòng khám tâm thần CDC, nay anh Thanh đã phục hồi tốt ổn định được cuộc sống, có thể làm việc để giúp đỡ gia đình.

Phòng khám tâm thần, CDC là đơn vị tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị cho các trường hợp rối loạn tâm thần như: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Hiện phòng khám có 6 cán bộ, trong đó 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, phòng khám đã tiếp nhận khám cho 44.492 lượt người, trong đó phát hiện 192 bệnh nhân mới mắc các chứng bệnh tâm thần. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các y bác sĩ nơi đây luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, bởi họ xác định đây là những bệnh nhân đặc biệt, và cần phải có sự chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng khám đa khoa CDC cho hay: Bệnh tâm thần là một bệnh nặng và có xu hướng phát triển mãn tính. Những bệnh nhân này có các biểu hiện như rối loạn tư duy, cảm xúc,hành vi, tác phong…bệnh nhân cần được quản lý và điều trị lâu dài tại cộng đồng. Tuy nhiên việc tuân thủ điều trị ở bệnh nhân tâm thần còn nhiều hạn chế, nhiều bệnh nhân còn tình trạng bỏ thuốc không tuân theo phác đồ của bác sĩ dẫn đến bệnh tình tái phát ngày càng nặng hơn.

Hiện nay, Phòng khám tâm thần CDC đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cho 120 xã, phường, qua đó đã phối hợp với các trạm y tế quản lý và điều trị cho hơn 5.500 bệnh nhân trên toàn tỉnh mắc các chứng bệnh tâm thần trong đó: gần 3.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 2.500 bệnh nhân động kinh và các chứng bệnh tâm thần khác. Để chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng đạt hiệu quả, ở mỗi xã sẽ có 1 cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý và có báo cáo hàng quý. Bên cạnh đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản thực hiện thường xuyên nhiệm vụ tuyên truyền về sức khỏe tâm thần, phối hợp với cán bộ các trạm y tế hướng dẫn gia đình cách chăm sóc cho người bệnh tâm thần giúp thuyên giảm bệnh tốt hơn, góp phần ổn định đời sống lâu dài tại gia đình và cộng đồng cho nhiều bệnh nhân. Đặc biệt, hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần và có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này để tránh kỳ thị phân biệt đối xử với những bệnh nhân bất hạnh không may mắc phải.

Để chia sẻ khó khăn đối với những gia đình có người thân mắc các chứng bệnh tâm thần, thời gian qua CDC Quảng Bình đã phối hợp với Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần rà soát những bệnh nhân nặng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện chăm sóc, từ đó đón các bệnh nhân này về Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần để phối hợp chăm sóc, điều trị theo phác đồ phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần cho biết: Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng có nhiều bệnh nhân lên cơn kích động, khi thời tiết thay đổi thất thường chúng tôi thường liên hệ với các bác sĩ tại CDC  để phối hợp điều trị và điều chỉnh phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó phối hợp các phương pháp chăm sóc khác giúp cho nhiều bệnh nhân tại đơn vị ổn định sức khoẻ, sớm trở về với gia đình và hoà nhập cộng đồng.

Người bệnh được đón về Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần luôn được sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ công tác tại đây, các bệnh nhân đa số là những đối tượng tâm thần đặc biệt nặng, được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí. Bên cạnh đó, hàng tháng CDC sẽ phối hợp với Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhằm kiểm tra mức độ phục hồi ổn định của từng bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp.

Bác sĩ Hồ Huy Hiệu, Phó Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: Cái khó của bệnh nhân tâm thần chính là nhiều khi họ không ý thức được mình là người có bệnh, bởi ngoài những lúc kích động do hoang tưởng, ảo giác thì họ vẫn có khả năng nhận thức bình thường. Cùng với những định kiến xã hội về bệnh tâm thần, khiến họ mặc cảm và không muốn đến phòng khám điều trị. Vì vậy, các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần không chỉ bằng những đơn thuốc mà luôn phải tạo không khí chuyện trò thân thiện, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn đoán bệnh, vừa là cách giúp bệnh nhân mở lòng, hợp tác điều trị và nối lại dần những mối dây đã đứt gãy với xã hội.

Bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường, nếu được điều trị kịp thời, sử dụng thuốc phù hợp. Để bệnh nhân tâm thần ngày càng được chăm sóc tốt hơn, sớm hòa nhập với cộng đồng trở lại cuộc sống bình thường, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và đặc biệt là cả cộng đồng. Điều quan trọng là không nên  phân biệt, đối xử kì thị đối với gia đình cũng như người bệnh tâm thần, tạo điều kiện để những bệnh nhân tâm thần có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nguyễn Trang