Sidebar Menu

SKĐS - Người nhiễm HIV thường nghĩ rằng, họ sẽ nhận được sự kỳ thị, xa lánh... thay vì thương cảm, sẻ chia từ cộng đồng. Vậy nên, để người bệnh chủ động và an tâm điều trị cần được sự tư vấn, quan tâm nhiều từ đội ngũ nhân viên y tế...

Trong hành trình đồng hành cùng những người không may nhiễm HIV, mỗi cán bộ y tế lại có những kỷ niệm vui buồn riêng. Với chị Nguyễn Thị Hiền, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, CDC Quảng Bình, thì niềm vui có vẻ nhiều hơn buồn phiền. Bởi hằng ngày chị thấy được sự đổi thay của những con người suy sụp vì bệnh tật, dần kiên trì điều trị, tự tin sống.

địa điểm tin cậy cho những người hoang mang khủng hoảng khi không may nhiễm HIVjpgChị Hiền là "địa điểm tin cậy" cho những người hoang mang, khủng hoảng khi không may nhiễm HIV.

Chị Hiền chia sẻ, với đặc thù công việc, chị và đồng nghiệp thường xuyên tiếp cận với các trường hợp nhiễm HIV và nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng. Nhiệm vụ chính của chị là tư vấn xét nghiệm, điều trị và giám sát công tác phòng, chống HIV ở tuyến cơ sở.

Những người tìm đến chị thường trong tâm thế hoang mang, hoảng loạn bởi nghi ngờ hoặc không may nhiễm HIV. Hiểu được tâm lý của họ, chị Hiền trở thành người bạn, người chị em để chia sẻ, động viên và tư vấn.

"Có một bạn 9X, khi nhận kết quả dương tính với HIV, tìm đến rồi gục đầu xuống bàn òa khóc. Bạn ấy cứ nói rằng rất sợ, nghĩ là chết chứ không thể sống nổi. Mình biết là không thể khiến bạn ấy bình tĩnh liền ngay, nên nói là muốn khóc cứ khóc, khóc xong rồi chị em mình cùng chia sẻ", chị Hiền kể.

Khi đôi mắt đỏ hoe của thanh niên dần khô nước mắt, chị Hiền thủ thỉ những lời động viên, rồi trở thành người chị gái, để lắng nghe câu chuyện, nỗi niềm của bạn trẻ này và có những tư vấn phù hợp.

"Khi bạn ấy đã lắng nghe thì mình dùng nhiều câu chuyện cụ thể để chứng minh việc nhiễm HIV không phải là cuộc sống đi đến con đường cùng. Điều cần làm trước tiên là tiến hành điều trị và cần phải kiên trì. Tiếp đó là tìm hiểu thêm về căn bệnh và đương đầu với nó để tự tin sống. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh", chị Hiền cho biết.

Ngoài nhiệm vụ chính tư vấn xét nghiệm điều trị HIV chị Hiền và đồng nghiệp còn thực hiện việc giám sát công tác phòng chống HIV ở tuyến cơ sởjpg

Ngoài nhiệm vụ chính tư vấn xét nghiệm, điều trị HIV, chị Hiền và đồng nghiệp còn thực hiện việc giám sát công tác phòng, chống HIV ở tuyến cơ sở.

Chị kể tiếp câu chuyện của vợ chồng nọ dấu tên. Trong một lần khám sức khỏe, người chồng phát hiện bản thân nhiễm HIV, buồn thay người vợ xét nghiệm cũng dương tính với loại virus này. Người chồng ấy bị những căn bệnh cơ hội và khủng hoảng tâm lý dày vò khiến sức khỏe đi xuống "không phanh". Người vợ tìm đến chị Hiền với tâm thế lo lắng và mong muốn được sớm điều trị.

"Khi đó người vợ kể là chồng bị HIV và nhiều bệnh cơ hội khác nên tình trạng đã nguy kịch, chỉ có người vợ đăng ký điều trị HIV. Tôi khuyên chị là "còn nước, còn tát" cứ đưa anh về để điều trị. Khi được tư vấn và điều trị, cả 2 người đều có chuyển biến tốt về sức khỏe. Từ người chuẩn bị lo hậu sự, anh chồng nay tăng mười mấy cân trong vài tháng, tự tin điều trị và vui sống", chị Hiền chia sẻ.

Cùng với đó là thật nhiều phận người với những câu chuyện khác nhau được chị quan tâm, tư vấn. Không chỉ tìm đến chị Hiền khi ở cơ quan, số điện thoại của chị Hiền trở thành "đường dây nóng" để những người nhiễm HIV, người có nguy cơ chia sẻ tâm sự. Từ những tin nhắn, cuộc gọi, nhiều người đã tìm lại sức sống, an tâm điều trị bệnh dài lâu.

Nhìn những con người từ vực thẳm của hoang mang dần tự tin vào bản thân để đương đầu bệnh tật chị càng thấy công việc mình đang làm thêm ý nghĩajpg

Nhìn những con người từ vực thẳm của hoang mang dần tự tin vào bản thân để đương đầu bệnh tật chị càng thấy công việc mình đang làm thêm ý nghĩa.

Nhìn những con người từ vực thẳm của hoang mang dần tự tin vào bản thân để đương đầu bệnh tật chị càng thấy công việc mình đang làm thêm ý nghĩa. Chị vui vì hiện nay xã hội đã có những chuyển biến tích cực với những người không may nhiễm HIV/AIDS. Sự xa lánh, kỳ thị được giảm đi bởi cộng đồng tiếp nhận nhiều thông tin và hiểu được căn bệnh này. Người bệnh có ý thức tự tìm hiểu thông tin để phục vụ công tác điều trị, bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.

"Trước đây người nhiễm HIV sợ tìm đến cơ sở y tế vì sợ bị người khác biết mình nhiễm bệnh. Nhưng nay một phần nhờ sự hiểu biết của người bệnh và sự chia sẻ từ cộng đồng nên cũng đỡ. Người bệnh tìm đến mình thường chia sẻ câu chuyện của họ rồi lắng nghe mình tư vấn. Mình rất vui vì công việc của bản thân giúp nhiều người vượt qua khó khăn, nỗ lực, kiên trì điều trị để có cuộc sống tốt hơn", chị Hiền chia sẻ.

Đan Thanh