Sidebar Menu

Thực hiện Chương trình chống lao Quốc gia về việc triển khai tăng cường chiến lược 2X phát hiện bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn của Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ( CDC Quảng Bình) đã lập kế hoạch triển khai hoạt động Chiến lược 2X (xét nghiệm Gene Xpert cho người có tổn thương nghi lao trên phim X-quang ), khám phát hiện chủ động bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn tại 15 xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch.

CDC Quảng Bình khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh lao tại xã Quảng Hợp.

Để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả, trước đó, CDC đã phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch hướng dẫn các Trạm Y tế trên địa bàn huyện tuyên truyền, tư vấn cho người dân về đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh lao; thực hiện điều tra và lập danh sách đối tượng nghi mắc lao và nhóm nguy cơ mắc lao cao, bao gồm nhóm người tiếp xúc hộ gia đình và tiếp xúc cộng đồng với bệnh nhân lao phổi, người có triệu chứng nghi mắc lao…

CDC triển khai tăng cường khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân bằng chiến lược 2X.

Trong khoảng thời gian từ 16-30/10/2023, CDC Quảng Bình phối hợp tổ chức 15 điểm khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người dân tại 15 xã của huyện Quảng Trạch, bao gồm: Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Thanh, Liên Trường, Phù Hoá, Cảnh Hoá mỗi địa bàn 1 điểm khám.

Dự kiến khoảng trên 2.500 người dân sẽ được cán bộ y tế khám, chụp X-Quang, lấy mẫu xét nghiệm Xpert, thử phản ứng Mantoux… phát hiện người mắc lao để điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng. 

 Thử phản ứng Mantoux phát hiện người mắc lao trong cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: Thực hiện chương trình chống lao Quốc gia về việc khám phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng năm 2023, thời gian qua, CDC Quảng Bình đã nỗ lực triển khai thực hiện các đợt khám tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.  

Sau huyện Lệ Thủy và Bố Trạch thì Quảng Trạch là địa phương thứ 3 được chọn triển khai chiến dịch này trong năm 2023.

Tại xã Quảng Hợp trong ngày 16/10, CDC Quảng Bình phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch, Trạm y tế xã đã tổ chức khám cho 160 đối tượng là những người tiếp xúc hộ gia đình và tiếp xúc cộng đồng với bệnh nhân lao phổi, người có triệu chứng nghi mắc lao… Tại điểm khám, người dân tập trung đến khá sớm và lần lượt được cán bộ y tế khám sàng lọc, chụp X-Quang, lấy mẫu xét nghiệm Xpert và thử phản ứng Mantoux phát hiện lao tiềm ẩn.

 

Chụp X - Quang lồng ngực cho phạm nhân bằng xe X - Quang kỹ thuật số lưu động

Riêng trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, CDC Quảng Bình đã triển khai chiến lược 2X (xét nghiệm Gene Xpert cho người có tổn thương nghi lao trên phim X-quang) trên địa bàn huyện Lệ Thủy và Bố Trạch cho gần 6.000 đối tượng nguy cơ cao của 40 xã, thị trấn, phát hiện được 91 bệnh nhân lao và 293 bệnh nhân lao tiềm ẩn, kịp thời đưa vào quản lý điều trị, góp phần hạn chế phát tán nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh, vi khuẩn lao thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, lan truyền vào máu, di chuyển và đến cư trú ở bất kỳ cơ quan nào đó rồi gây bệnh. Tùy theo vị trí gây bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là: Lao phổi (vi khuẩn lao gây bệnh ở trong phổi) và lao ngoài phổi (vi khuẩn lao gây bệnh tại các bộ phận khác không phải là phổi). Đặc biệt, trẻ em cũng có thể mắc bệnh lao và các bệnh lao ngoài phổi, như: Lao màng não, lao màng bụng, lao cột sống, lao màng ngoài tim, lao xương khớp, lao ruột… và việc chẩn đoán bệnh lao ở trẻ khó hơn rất nhiều so với người lớn. 

Vì vậy, để phòng bệnh lao cho trẻ các bậc cha mẹ cần lưu ý: Trẻ phải được tiêm vắc xin BCG phòng lao càng sớm càng tốt trong vòng 28 ngày sau sinh. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt nhất. Phát hiện và điều trị cho người trong gia đình nếu mắc bệnh lao; đồng thời phải cách ly trẻ, không để tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh lao.

                                   Nguyễn Hoàng