Sidebar Menu

Người cao tuổi có sức đề kháng yếu hơn, dễ bị bệnh và khi đã bị bệnh thường mắc nặng hơn, làm quá trình điều trị khó khăn, tỷ lệ tử vong tăng cao. Chế độ dinh dưỡng phòng chống COVID-19 là chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người cao tuổi có thể cần được trợ giúp để đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, đặc biệt trong điều kiện giãn cách, cách ly xã hội hiện nay.

1. Nguyên tắc chế độ ăn uống

  • Người cao tuổi cần được cung cấp đủ thực phẩm, ăn đủ, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân. Chế độ ăn cần đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh và đỗ đen… Lưu ý chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn để có thể ăn đủ số lượng. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, hoặc người gầy, bị sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày.
  • Nếu người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sỹ đã hướng dẫn.
  • Để tăng cường miễn dịch, bữa ăn cần đa dạng thực phẩm. Khi chế độ ăn không đủ, nên bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng theo chỉ định.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Lượng thực phẩm trong ngày

  • Nhóm cung cấp chất đường bột: gạo tẻ, gạo nếp, bún, miến, phở… Các loại thực phẩm như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, yến mạch cung cấp nhiều các vitamin và chất khoáng hơn các loại gạo thông thường. Ăn khoảng 9-12 đơn vị ăn theo Tháp dinh dưỡng, tương đương khoảng 250-300 g gạo (xem mục hướng dẫn sử dụng các đơn vị ăn của Tháp dinh dưỡng để ước lượng thực phẩm).
  • Thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, tôm, trứng, 4-5 đơn vị ăn theo Tháp dinh dưỡng, tương đương 150-200 g thịt.
  • Sữa tươi, hoặc phô mai, hoặc sữa chua các loại có probiotic tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Lượng dùng 400ml sữa các loại (4 đơn vị ăn). Khi người cao tuổi không ăn đủ lượng thực phẩm theo nhu cầu, hoặc bị suy dinh dưỡng, gầy mòn, cần uống các loại sữa bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng, chất đạm và vi chất dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày.
  • Thực phẩm giàu béo: cung cấp năng lượng và chất béo bao gồm

các loại hạt: lạc, điều, hoặc cacao, các loại dầu thực vật từ 4-5 đơn vị ăn tương đương 20-25 g dầu.

  • Các loại rau: 200-300 g (3-4 đơn vị ăn) và quả chín 200-300 g (3 đơn vị ăn).
  • Sử dụng một số gia vị/ thực phẩm chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh.
  • Hạn chế muối ăn, gia vị mặn có muối: dưới 5 g muối/ ngày (tương đương dưới 8 g bột canh, 25 ml nước mắm). Lượng đường kính ăn dưới 25 g (dưới 5 đơn vị ăn đường).
  • Uống nước đủ, đúng cách: góp phần phòng chống dịch COVID-19 người cao tuổi nên uống từ 6-9 cốc (tương đương 1200 ml - 1800 ml). Người chăm sóc cần chú ý để các cụ uống đủ nước vì nhiều người già không cảm thấy khát nước. Cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ va chia đều trong ngay để giữ ẩm cổ họng, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ và không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn (bia, rượu).
  • Duy trì hoạt động thể lực phù hợp, ngủ đủ, ngủ sâu giấc
  • Giữ tinh thần lạc quan, làm các công việc, các hoạt động yêu thích tại nhà, giữ liên lạc thường xuyên bạn bè, người thân bằng điện thoại.

6. Hướng dẫn sử dụng các đơn vị ăn của Tháp dinh dưỡng để ước lượng thực phẩm.

6.1. Tháp dinh dưỡng:

thap dinh dưỡng

6.2. Hướng dẫn:

Tháp dinh dưỡng có 6 tầng từ trên xuống (từ đỉnh tháp xuống đáy tháp), mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm từ các tầng của tháp. Các thực phẩm ở tầng càng cao thì càng cần hạn chế ăn, tuy vậy không phải cứ thực phẩm ở tầng dưới là có thể ăn thoải mái mà chỉ nên ăn theo mức đã được khuyến cáo. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu khuyến nghị cần ăn theo đúng số lượng đơn vị ăn tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm được thể hiện trên tháp. Đi kèm với Tháp dinh dưỡng là Hình ảnh minh họa kích cỡ đơn vị ăn của một số thực phẩm.

Tầng 1: ngũ cốc, khoai củ và sản phẩm chế biến

ngu coc

Một đơn vị ngũ cốc cung cấp 20 g glucid và tương đương với khối lượng của một trong những loại thực phẩm dưới đây: 1/2 lưng bát cơm 55 g (tương đương 26 g gạo); 1/2 bát con bánh phở 60 g; 1/2 bát con bún 80 g; 1/2 bát con miến đã nấu chín 71 g; 1/2 cái bánh mỳ 38 g; 1 bắp ngô nếp luộc cỡ nhỏ 122 g; 1 củ khoai sọ cỡ trung bình 90 g; 1 củ khoai lang cỡ nhỏ 84 g; 1 củ khoai tây cỡ nhỏ 100 g.

Tầng 2: rau lá, rau củ quả và trái cây/quả chín

rau củ quả

Rau lá, rau củ quả

Một đơn vị rau lá, rau củ bằng 80 g rau, củ và tương đương với: 80 g rau lá (rau muống, rau dền, rau mùng tơi, rau bắp cải…); 80g củ quả; 1/2 bát rau lá đã nấu chín; 1/3 bát rau củ đã nấu chín; 10 miếng bí xanh hoặc 1/2 quả cà chua.

 Trái cây/Quả chín

trai cây

Một đơn vị ăn trái cây/ quả chín bằng 80 g trái cây/ quả chín tương đương với: 1 miếng dưa hấu; 1 quả ổi cỡ nhỏ; 1 quả na; 1 quả quýt; 1 quả chuối tiêu cỡ trung bình; 3 múi bưởi cỡ trung bình; 8 quả nho ngọt; 1 má xoài chín; 1/4 quả đu đủ chín; 1/4 quả thanh long cỡ nhỏ.

Tầng 3: thịt, thủy sản, trứng và các hạt giàu đạm

thịt

Mỗi đơn vị thịt, thủy sản, trứng, đậu đỗ cung cấp 7 g protein và tương đương với: 4 miếng thịt lợn nạc 38 g; 8 miếng thịt bò thái mỏng 34 g; thịt gà cả xương 71 g; 3 con tôm biển sống 87 g; cá đã bỏ xương 44 g; 1 quả trứng gà 55 g; 1 quả trứng vịt cỡ trung bình 60 g; 5 quả trứng chim cút 60 g; 1 bìa đậu phụ 65 g; 5 thìa cà phê đầy muối vừng 30 g.

Tầng 4: sữa và chế phẩm sữa

sữa

Một đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100 mg canxi tương đương với: 1 miếng phô mai 15 g hoặc 1/2 cốc sữa dạng lỏng 100 ml hoặc 1 hộp sữa chua 100 g.

Tầng 5: dầu mỡ

mỡ

Một đơn vị ăn dầu mỡ tương đương với 5 g mỡ (1 thìa 2,5 ml mỡ đầy) hoặc tương đương với 5 ml dầu ăn.

    Tầng 6: đường và muối

doung

    Đường

Đường: Một đơn vị ăn đường tương đương với 5 g đường (1 thìa 2,5 ml đường đầy), kẹo lạc (8 g), mật ong (6 g).

    Muối

muoi

Cách tính một đơn vị ăn muối: một đơn vị ăn muối tương đương với 1 g muối: 1 thìa nhỏ 1 g muối; 1 thìa nhỏ 1,5 g bột canh hoặc 1 thìa 5ml nước mắm. Nên sử dụng muối i ốt.

Uống đủ nước

Nhu cầu nước uống tùy theo cân nặng, tuổi và hoạt động thể lực.

Một đơn vị nước tương đương với 200 ml nước.

7. Thực đơn tham khảo:

Năng lượng: 1500-1600 kcal/ ngày, áp dụng cho người nặng 50-55 kg

Thực đơn cho người cao tuổ̉i (ăn cơm)

Các món ăn

 

Bữa sáng (7 giờ): bún cua

Bún: 180 g, cua đồng: 30 g, hành lá, rau thơm (tía tô, kinh giới)

                 

Bữa phụ sáng (9 giờ):

1 hộp sữa chua

                     

Bữa trưa (11 giờ): cơm, thịt gà rang, su hào luộc, canh rau dền, bưởi

Gạo tẻ: 50 g, thịt gà: 100 g, su hào luộc: 200 g, muối vừng lạc 10 g, canh rau dền (rau dền 50 g, dầu ăn 2 ml), tráng miệng: bưởi 2-3 múi

               

Bữa phụ chiều (15 giờ):

Sữa bổ sung dinh dưỡng(200 ml pha theo hướng dẫn)

                      

Tối (18 giờ): cơm, thịt bò xào bí đỏ, đậu phụ rán, canh rau cải, chuối tiêu

Gạo tẻ: 50 g, thịt bò nạc: 70 g, bí ngô: 200 g, dầu ăn: 5 ml, đậu

phụ: 50 g, canh rau cải (cải xanh: 50 g)

Tráng miệng: chuối tiêu

                  

 Thực đơn cho người cao tuổ̉i (ăn cháo và sữa)

Các món ăn

 

Bữa sáng (6 giờ)

Cháo gà bí đỏ: gạo tẻ: 35 g, thịt gà: 35 g, đậu xanh: 10 g, bí đỏ:50 g, nấm hương: 10 g, dầu ăn:5 ml.

Tráng miệng: dưa hấu 100g

                

                  

Bữa phụ sáng (9 giờ)

Sữa bổ sung dinh dưỡng 200 ml

                        

Bữa trưa (11 giờ)

Cháo thịt bò rau ngót: gạo: 35 g, thịt bò: 35 g, rau ngót: 50 g, dầu ăn: 5 ml.

Tráng miệng: đu đủ chín 100 g

Bữa phụ chiều (15 giờ)

Sữa bổ sung dinh dưỡng 200 ml

                          

Bữa tối (18 giờ)

Cháo cá: gạo: 35 g, cá: 35 g, cà rốt: 30 g, hành, thì là: 30 g, dầu ăn: 5ml.

Tráng miệng: xoài 100g

Bữa phụ tối

Sữa bổ sung dinh dưỡng 200 ml

 

                          

  

Nguồn: sách “Hướng dẫn dinh dưỡng dự phòng COVID-19”