Sidebar Menu

Vi chất dinh dưỡng là những chất dinh dưỡng bao gồm các Vitamin tan trong nước như Vitamin nhóm B, C, các Vitamin tan trong chất béo như Vitamin A, D, E, K và các chất khoáng như sắt, kẽm, iốt, đồng, mangan, magiê… Vi chất dinh dưỡng  đối với  phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi là hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí truệ của trẻ đến tuổi trưởng thành.

 

00000000

Nguyên nhân thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn không cung cấp đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng.

Vi chất dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người.

Vitamin A: Có tác dụng giúp sáng mắt; bảo vệ sự  toàn vẹn của các biểu mô,  da, niêm mạc, giác mạc mắt, khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết…Vitamin A  tham gia vào quá trình biệt hoá tế bào, miễn dịch của cơ thể và rất cần thiết cho sự tổng hợp các thành phần của mô xương, sụn… Nếu thiếu hụt Vitamin A, cơ thể giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Thiếu Vitamin A gây ảnh hưởng đến thị lực như: Khả năng nhìn kém, khô mắt, quáng gà, lét giác mạc có thể dẫn đến mù loà nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vitamin A có nhiều trong gan, trứng, sữa, bơ và có nhiều trong các loại rau quả có đỏ, màu vàng như bí đỏ, đu đủ, gấc, cà rốt, rau dền, ớt vàng…

Vitamin B: Tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng, có tác dụng tái tạo và bảo vệ các tổ chức vùng da, niêm mạc miệng... Vitamin B còn tham gia dẫn truyền các xung động thần kinh và hỗ trợ cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Nếu thiếu hụt Vitamin B có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tinh thần không phấn chấn.  Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo lứt, đậu đỗ, thịt gà, sữa, pho mát, chuối và rau lá có màu xanh thẫm…

Vitamin C: Có tác dụng chống ôxy hóa, ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do, tham gia chuyển hóa năng lượng, hình thành collagen. Vitamin C còn tham gia tạo kháng thể phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Nếu thiếu hụt vitamin C, cơ thể giảm sức đề kháng gây nên tình trạng dễ chảy máu, dễ nhiễm khuẩn. Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi, rau cải, rau muống, rau ngót, cà chua...

Vitamin D: Có vai trò rất quan trọng trong việc tạo xương, phát triển xương, duy trì mật độ xương chắc khỏe. Nếu thiếu hụt vitamin D trẻ em chậm mọc răng, chậm lớn, còi xương, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm. Thiếu hụt vitamin D ở người lớn gây nên tình trạng loảng xương, xương yếu dẽ gãy. Vitamin D  có trong các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan và được cung cấp chủ yếu qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Sắt: Tham gia vào quá trình tạo máu và cần thiết cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ của con người. Ở phụ nữ mang thai, sắt cần thiết cho sự phát triển của bào thai, rau thai và tăng khối lượng máu của mẹ. Nếu thiếu máu, cơ thể xanh xao, gầy yếu. Nếu thiếu máu ở phụ nữ mang thai có thể gây nên tình trạng thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt có thể gây đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Các thực phẩm có nhiều sắt như gan, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim heo, mộc nhĩ, nấm hương.

Kẽm: Tham gia vào chức năng phân chia tế bào, miễn dịch cơ thể, kích thích tiêu hóa thức ăn. Kẽm tương tác với một số hormon của cơ thể tham gia vào quá trình tăng trưởng xương. Nếu trẻ em thiếu kẽm sẽ chậm lớn, chán ăn, giảm bú, ngủ không yên giấc, giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.  Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.

Iod: Là chất cần thiết cho tuyến giáp tổng hợp hormon, giúp cho sự hình thành và phát triển của bộ não. Trẻ thiếu iod ngay trong bụng mẹ có thể bị các khuyết tật bẩn sinh và chứng đần độn sau khi ra đời. Trẻ em ở tuổi học đường nếu thiếu iod sẽ kém tập trung, thành tích học tập giảm sút.

Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng như  đồng, mangan, magiê  và các vi chất dinh dưỡng khác cũng không kém phần quan trọng cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ của con người

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng lâu dài và bề vững mọi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bản thân và gia đình mình bằng cách cải thiện chất lượng bữa ăn ngay trong mỗi gia đình sao cho khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người phải cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể. Nên lựa chọn và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế. Khi chế biến thức ăn cần phối hợp đa dạng các loại thực phẩm có trong các nhóm chất như Protein (chất đạm), Lipid (chất béo), Glucid (đường bột), Vitamin và khoáng chất (lưu ý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có nguồn góc từ động vật nhiều hơn thực phẩm có nguồn góc từ thực vật). Bên cạnh đó, mọi người cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, tẩy giun định kỳ, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú bổ sung vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của cán bộ Y tế, hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng đưa trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi đi uống Vitamin A đợt 1 vào ngày mùng 1- 2 tháng 6 và chiến dịch uống VitaminA đợt 2 sẽ diễn ra vào tháng 12 hàng năm.

                                                                          Kim Hoa (Khoa dinh dưỡng)